Thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua công nghệ tài chính trên thế giới và tại Việt Nam

Phổ cập tài chính là yếu tố quan trọng trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Theo Ngân hàng Thế giới (2018), kể từ năm 2010, có hơn 55 quốc gia cam kết thúc đẩy phổ cập tài chính và hơn 60 quốc gia đã đưa ra hoặc đang xây dựng chiến lược phổ cập tài chính quốc gia, nhằm thống nhất mục tiêu đẩy mạnh phổ cập tài chính của tất cả các đối tượng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, phổ cập tài chính vẫn đang ở các mức độ khác nhau giữa các nước. Tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á – Thái Bình Dương, một nửa dân số trưởng thành vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và dưới 10% dân số có sử dụng dịch vụ tín dụng từ các tổ chức tín dụng chính thức. Park và Mercado (2015) cho thấy Việt Nam có mức độ phổ cập tài chính thấp thứ 112 trong số 176 quốc gia năm 2011, thứ hạng này được tăng lên 92 trong số 151 quốc gia năm 2014 (IMF, 2015). Do đó, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục thúc đẩy việc tiếp cận các dịch vụ tài chính tới các cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế. Với những ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả, Fintech không những giúp giảm chi phí mà còn mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng, bên cạnh các mô hình ngân hàng truyền thống và chính là một công cụ đặc biệt giúp đẩy mạnh phổ cập tài chính trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam cần chủ động nắm bắt xu hướng phát triển của Fintech và hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái phù hợp, cũng như các biện pháp hỗ trợ, kể cả về tài chính (hỗ trợ về thuế) nhằm tạo điều kiện cho Fintech phát triển và thúc đẩy phổ cập tài chính.

VAI TRÒ CỦA FINTECH TRONG PHỔ CẬP TÀI CHÍNH

Phổ cập tài chính (financial inclusion) đề cập đến “quá trình cải thiện khả năng tiếp cận hợp lý, kịp thời và đầy đủ các loại dịch vụ tài chính chính thức; từ đó mở rộng việc sử dụng các sản phẩm tài chính này bằng các hoạt động và cách thức khác nhau bao gồm tăng cường nhận thức và giáo dục tài chính, nhằm thúc đẩy phổ cập tài chính và phát triển kinh tế” (Atkinson và Messy, 2013, OECD). Ngân hàng Phát triển châu Á (2017) mô tả phổ cập tài chính là tình trạng tất cả các nhóm dân cư bao gồm cả nhóm có thu nhập thấp nhất có thể tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm tài chính chính thức. Loại trừ tài chính (financial exclusion) bao gồm các đối tượng không sử dụng dịch vụ ngân hàng và không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng Thế giới định nghĩa phổ cập tài chính là trạng thái mà tất cả các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hữu dụng với giá cả hợp lý phục vụ cho nhu cầu của họ bao gồm dịch vụ giao dịch, tiết kiệm, thanh toán, tín dụng (Ngân hàng Thế giới, 2017).

Fintech thường được hiểu là việc áp dụng các tiến bộ trong công nghệ của các công ty để cải thiện dịch vụ tài chính, là một ngành công nghiệp sử dụng công nghệ thông tin di động làm trung tâm để tăng cường hiệu quả của hệ thống tài chính.

Chi phí cao là một trong những lý do gây khó khăn cho khách hàng tiếp cận sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính mà họ cần, đặc biệt là những người có hoàn cảnh nghèo, sẽ bị từ chối được cung cấp các dịch vụ tài chính. Fintech giúp giảm đáng kể chi phí bằng cách cung cấp dịch vụ tài chính một cách sáng tạo và đơn giản. Các nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền trực tuyến mới loại bỏ mức phí cao của ngân hàng bằng cách đáp ứng nhu cầu và nguồn cung tiền tệ của người sử dụng. Các sáng kiến mới trong lĩnh vực tài chính, ví dụ, thanh toán điện tử và ngân hàng di động đã thay đổi phạm vi phổ cập tài chính. Việc mở rộng các nền tảng thanh toán kỹ thuật số đã tạo cơ hội kết nối người nghèo với các nhà cung cấp các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Những cá nhân không ngân hàng và bị loại trừ tài chính là cơ hội tiềm năng khai thác của các doanh nghiệp sử dụng Fintech . Việc sử dụng phân tích dữ liệu lớn sẽ trở nên khả thi cho các doanh nghiệp để cung cấp các khoản tín dụng ngắn hạn.

Sự gia tăng của Fintech và các hoạt động sử dụng các nền tảng kỹ thuật số có thể cho phép các quốc gia tăng phổ cập tài chính. Nhưng điều này đòi hỏi sự hỗ trợ về tài chính thích hợp trong khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng và khả năng tiếp cận rộng rãi, chẳng hạn như các nhà phát hành tiền điện tử, tài trợ cho công chúng và cho vay ngang hàng, và người chơi thương mại điện tử thông qua đơn giản thanh toán và giao hàng. Tài chính số (digital finance) đã được quốc tế coi là một phương tiện cung cấp đầy đủ cơ hội để thúc đẩy việc phổ cập tài chính thông qua giảm chi phí cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính. Ngân hàng Thế giới (2017) cũng phân tích rằng, Fintech có vai trò giúp việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng dễ dàng và hiệu quả hơn đối với các đối tượng trong nền kinh tế. Nghiên cứu của Ozili (2018) cũng cho thấy chính kỹ thuật số thông qua các nhà cung cấp Fintech có tác động tích cực cho việc phổ cập tài chính ở các nền kinh tế mới nổi và tiên tiến, và sự tiện lợi mà tài chính kỹ thuật số cung cấp cho cá nhân có thu nhập thấp và biến thiên thường có giá trị hơn so với chi phí cao hơn sẽ trả tiền để có được các dịch vụ như vậy từ các ngân hàng thông thường.

THỰC TRẠNG PHỔ CẬP TÀI CHÍNH THÔNG QUA FINTECH TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

Với việc áp dụng công nghệ, các dịch vụ tài chính ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Ở nhiều nước như Brazil, Ấn Độ, Mexico, ngân hàng đại lý đã được sử dụng như một công cụ quan trọng để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. 

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế sở hữu 2,6 tỷ người, khoảng 36% dân số thế giới có những bước tiến đáng kể trong sử dụng công nghệ tài chính để đẩy mạnh phổ cập tài chính (Xem Hình 1). Trên thực tế, một tỷ lệ cao người Ấn Độ và Trung Quốc sống ở khu vực nông thôn (67% và 44% tương ứng) cần có sự hỗ trợ tiếp cận tài chính. Phổ cập tài chính và giảm nghèo thông qua Fintech đã và đang diễn ra tại hai quốc gia này.

Ở Ấn Độ, quy mô của dự án nhận dạng Aadhaar là một cuộc cách mạng trong quá trình phổ cập tài chính. Thông qua chương trình này, sinh trắc học của hơn 1 tỷ người đã được nhận dạng. Phạm vi của chương trình vượt xa việc cung cấp các dịch vụ công cộng. Các ngân hàng được khuyến khích phát triển các giải pháp Fintech sử dụng các công nghệ nhận dạng này. Ở Trung Quốc, các cá nhân bị từ chối trước đây có thể đăng ký và nhận khoản vay trong vòng vài phút bằng cách cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu trên điện thoại thông minh của họ. Một ví dụ là Alibaba đã trở thành thương mại điện tử phổ biến nhất của Trung Quốc, cung cấp các khoản vay nhỏ cho người dùng dựa trên lịch sử giao dịch của họ trên nền tảng của mình.

Hàn Quốc cũng là một quốc gia sử dụng lợi thế phát triển công nghệ để đẩy mạnh phổ cập tài chính. Theo một thống kê của Statista, số lượng sử dụng điện thoại di động trên toàn thế giới khoảng 4,43 tỷ người trong năm 2015(1), riêng điện thoại thông minh đã đạt mức 2,6 tỷ người sử dụng (Ericsson Mobility Report, 2015). Tỷ lệ thâm nhập của điện thoại thông minh ở Hàn Quốc lên tới 88% nhờ có Samsung, một trong hai nhãn hiệu điện tử lớn nhất thế giới (bên cạnh Apple). Cũng tại Hàn Quốc, nơi mà mạng 4G – LTE phủ sóng lên tới 97%, số lượng người sử dụng Internet gần 44 triệu người khiến cho quốc gia này được coi là một trong những thị trường được kết nối trực tuyến nhiều nhất.

Nhờ những lợi thế của công nghệ - điện tử mà Hàn Quốc có thị trường thương mại điện tử rộng lớn, nhờ đó các cách thức thanh toán cũng trở nên đa dạng và phổ biến với người dân, trong đó thẻ tín dụng được đa phần người Hàn Quốc ưa chuộng. Theo Findex 2014, 94% người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên sở hữu tài khoản ngân hàng. Tính đến thời điểm tháng 9/2015, Hàn Quốc đã có 115 triệu tài khoản internet banking hoạt động(2).

Indonesia là quốc gia đang phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng GDP trên mức trung bình giữa các nền kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phổ cập tài chính ở quốc gia này vẫn là một vấn đề. Ví dụ, chỉ 1/3 dân số của quốc gia này có thể truy cập vào một tài khoản thanh toán và tiết kiệm tại một tổ chức tài chính chính thức. Indonesia trình bày một thách thức cụ thể do thực tế là quốc đảo này có tới 17.000 hòn đảo, vì vậy, việc thiết lập một sự hiện diện truyền thống và xây dựng một cơ sở hạ tầng ICT hiệu quả và toàn diện là rất khó. Thật vậy, việc truy cập ngân hàng và internet ở các vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều thách thức và tốn kém. Nhất quán, các dữ liệu chỉ ra nồng độ cao của các doanh nghiệp siêu nhỏ không được sử dụng và sử dụng internet thấp.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bắt đầu thử nghiệm cho phép một số công ty không phải NHTM cung ứng các dịch vụ thanh toán để đáp ứng nhu cầu thị trường từ năm 2017. Theo EY (2018), hiện tại Việt Nam có 67 công ty Fintech đang hoạt động, còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực. Ví dụ: trong năm 2017, Singapore có khoảng 490 công ty Fintech, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty thuộc lĩnh vực này. Tính đến hết năm 2017, thị trường Fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỷ USD, và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance.

NHNN cũng cho phép thử nghiệm một số mô hình hợp tác giữa ngân hàng và các đối tác phi ngân hàng để cung cấp các dịch vụ ngân hàng đại lý/ngân hàng di động.  Ngày 16/3/2017, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính để tham mưu, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái và khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển. 

Các công ty Fintech tại Việt Nam đa dạng hóa nhanh chóng đa dạng hóa bao gồm hầu như tất cả các khía cạnh trong ngành công nghiệp Fintech từ thanh toán cho tài chính cá nhân. Tuy nhiên, có 2/3 các công ty Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền ví dụ như Momo, VNPay, Payoo, Mobivi.. Ngoài ra, các công ty Fintech còn hoạt động trong lĩnh vực khác như cho vay trực tuyến (LoanVi, Lenbiz, Tima), đầu tư (Finhay), gọi vốn (FundStart) hay tài chính cá nhân (Money Lover, Money Keeper).

Hiện nay, để công nghệ tài chính thực sự góp phần thúc đẩy phổ cập tài chính, NHNN đã bước đầu triển khai nghiên cứu một số lĩnh vực Fintech, làm cơ sở xây dựng các chính sách phù hợp, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo sự phát triển hài hòa của Fintech và ngân hàng, kiểm soát rủi ro, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Tiếp thu kinh nghiệm quản lý Fintech ở một số nước, NHNN dự kiến xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho hoạt động Fintech ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech vẫn bị đánh giá là chưa đầy đủ, mới chỉ đáp ứng một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán là chủ yếu. Hoạt động của các công ty Fintech ở Việt Nam vẫn chủ yếu là trong lĩnh vực thanh toán mà chưa có nhiều lĩnh vực khác. Sự kết nối giữa các công ty Fintech với các tổ chức tài chính – ngân hàng còn đang ở giai đoạn sơ khai, chưa có nhiều dịch vụ phối hợp. Vai trò của các công ty Fintech trong đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam vẫn chưa đúng tiềm năng.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA FINTECH TRONG THÚC ĐẨY PHỔ CẬP TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM

Đối với các cơ quan hoạch định chính sách: Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng về di động và internet, tạo nền tảng cho sự phát triển số hóa dịch vụ tài chính ngân hàng nói chung và các công ty Fintech nói riêng. Để các công ty Fintech có thể phát triển thuận lợi, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các chính sách miễn giảm thuế, khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực Fintech, phát triển hệ sinh thái phát triển Fintech cũng là các vấn đề quan trọng. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ  nên khuyến khích sự phối hợp giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các công ty Fintech, xây dựng thị trường tài chính ổn định, tăng cường đẩy mạnh các chương trình giáo dục tài chính và nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam.

Đối với các công ty Fintech: các công ty Fintech cần điều tra và phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu về các khía cạnh của Fintech có thể phát triển được tại Việt Nam. Để đạt được thành công,  cần hiểu được các yếu tố nhân khẩu học, đánh giá đúng tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia dựa trên dân số, nhu cầu con người. Việc cung cấp dịch vụ của các công ty Fintech cần đặc biệt chú ý tới yếu tố an toàn, đơn giản với mức chi phí hợp lý để người dân có cơ hội tiếp cận tốt hơn. Ngoài ra, việc phát triển các dịch vụ tài chính – ngân hàng không thể thiếu yếu tố kết hợp giữa các công ty Fintech và các tổ chức tài chính - ngân hàng, các công ty Fintech cần tận dụng các cơ hội hợp tác chiến lược để có thể phát triển nhanh và tiếp cận khách hàng trong thời gian ngắn hơn.

Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD): Các TCTD Việt Nam cần tiếp tục chủ động nắm bắt phản ứng của các ngân hàng trên toàn cầu đối với Fintech cũng như cuộc cách mạng 4.0 hiện nay và chủ động tích cực triển khai theo chiến lược kinh doanh, theo nguồn lực tài chính cũng như khả năng ứng dụng của mình. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác có thể tự thành lập công ty Fintech trực thuộc hoặc hợp tác với các đối tác bên ngoài để đẩy mạnh cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng trong nền kinh tế. Ngân hàng đã có sẵn thế mạnh về hệ thống, mạng lưới, sản phẩm và khách hàng, để đẩy mạnh phổ cập tài chính tới các đối tượng yếu thế trong nền kinh tế, việc phát triển các sản phẩm phù hợp, sử dụng công nghệ, có chi phí thấp cần được chú ý.

TS. ĐINH THỊ THANH VÂN 

Theo Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Chia sẻ bài viết này